Ý nghĩa những biểu tượng của Lễ Giáng Sinh

y nghia nhung bieu tuong le giang sinh

Ngày nay, Giáng sinh không còn là ngày lễ riêng của những người châu Âu theo đạo Thiên Chúa mà đã trở thành ngày lễ lớn, được mong chờ nhất trong năm của tất cả mọi người trên thế giới. Bên cạnh những giây phút ấm cúng cùng gia đình, Giáng sinh còn có nhiều biểu tượng đặc trưng mang lại không khí rộn ràng của mùa lễ hội cuối năm.

Bạn có thể liệt kê được bao nhiêu biểu tượng xuất hiện trong mùa lễ Giáng sinh? Bạn có biết chính xác nguồn gốc và hiểu rõ ý nghĩa của những biểu tượng này? Nếu bạn cảm thấy hứng thú, hãy cùng Kiến tìm hiểu ý nghĩa của các biểu tượng xuất hiện trong Lễ Giáng sinh nhé.

Vòng lá mùa Vọng (Christmas wreaths)

vong la mua vong

Vòng lá mùa Vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người trông thấy, trong 4 tuần Mùa Vọng. Cây xanh thường được trang hoàng trong các bữa tiệc của dịp Đông chí – dấu hiệu của mùa đông sắp kết thúc. Trên vòng lá đặt 4 cây nến.

Tục lệ này khởi xướng bởi các tín hữu Lutheran ở Đức vào năm 1839 với 24 cây nến gồm 20 nến đỏ và 4 nến trắng, cứ mỗi ngày gần Giáng sinh được đốt thêm một cây nến.

Vòng lá có hình tròn nói lên tính cách sự sống vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Màu xanh lá nói lên hy vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. Bốn cây nến bao gồm ba cây màu tím – màu của Mùa Vọng, cây thứ 4 là màu hồng, là màu của Chúa Nhật thứ Ba mùa Vọng, hay còn gọi là Chúa Nhật Vui mừng (Gaudete Sunday). Hoặc bốn cây nến đỏ, cứ mỗi tuần mùa Vọng đốt 1 cây nến.

Ngoài ra, tại phương Tây, thường có một lịch mùa Vọng là một lịch đặc biệt được sử dụng để đếm hoặc kỷ niệm những ngày chờ đợi đến Lễ Giáng sinh.

Hang đá Bê-lem và máng cỏ (Cave and Manger)

hang da belem va mang co

Chuyện kể rằng, vào năm 1223, khi chỉ còn đúng 2 tuần nữa là đến đại lễ Chúa Giáng Sinh, Phan-xi-cô Assisi gặp một người thầy mới tập tu tên Jean Velita. Ngài liền ngỏ lời với vị thầy tu đó rằng mong uớc được cử hành lễ Giáng Sinh để suy tôn việc Chúa ra đời tại hang Bê-lem. Nhưng phải thể hiện được sự khó nhọc và đau khổ của Chúa từ khi còn thơ bé.

Ngài muốn làm một hang đá đúng như thật, có cỏ khô và có một con lừa, một con bò vào để giống với bò và lừa năm xưa chầu quanh Chúa Hài Đồng. Và vị thầy tu đó đã nghe lời Thánh Phan-xi-cô, làm một hang đá y lời thánh dặn.

Từ chiếc máng cỏ đầu tiên tại Greccio, vào mỗi mùa Giáng sinh, một máng cỏ trong hang đá thường được dựng lên trong nhà hay ngoài trời, với các hình tượng Chúa Jesus, Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse, xung quanh là các thiên sứ, mục đồng cùng các gia súc như bò, lừa để kể lại sự tích Chúa ra đời trong máng cỏ.

Bên trên thường có gắn một ngôi sao, biểu trưng cho ngôi sao đã dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến diện kiến Chúa Giáng sinh.

Ông già Noel (Santa Claus)

ong gia noel

Ông già Noel là một nhân tố gắn liền với mùa Lễ Giáng Sinh, giống như cây thông Noel. Hình ảnh tiêu biểu của ông già Noel là một ông già mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng, thắt lưng da đen, đội chiếc nón đỏ với chòm râu dài trắng, bộ mặt hóm hỉnh, tiếng cười “hô hô hô”, tồn tại trong nhiều văn hoá, đặc biệt ở các nước phương Tây.

Truyền thuyết cho rằng ông già Noel sinh sống tại Bắc Cực với những người lùn. Ông dành đa số thời gian để chuẩn bị quà, đồ chơi cho trẻ em với sự giúp đỡ của những chú lùn. Vào dịp Giáng Sinh, ông nhận được rất nhiều thư từ trẻ em khắp thế giới. Và mỗi đêm Giáng Sinh, ông lại bắt đầu cuộc hành trình của mình với cỗ xe kéo bởi chín con tuần lộc để mang quà và đồ chơi cho các thiếu nhi.

Ngày nay, người ta chấp nhận Ông già Noel là hóa thân của Thánh Nicolas ở thành Myra (280 – 343), Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều sử gia cho rằng hình ảnh đầu tiên về Ông già Noel xuất hiện trong một bài thơ có tên “A visit from Saint Nicholas” (Chuyến thăm của Thánh Nicholas) được xuất bản năm 1823. Còn hình ảnh một ông già phúc hậu, với một bộ râu trắng dài trong bộ đồ màu đỏ có viền trắng thì xuất hiện đầu tiên trên báo vào năm 1860 qua nét bút tưởng tượng của nghệ sĩ Thomas Nast. Tại phương Tây, ngày lễ Thánh Nicholas là vào ngày 6 tháng 12.

Trẻ em luôn tin vào câu chuyện ông già Noel đi theo đường ống khói lò sưởi vào mỗi gia đình, để bánh kẹo và những món quà mà chúng ao ước vào trong những chiếc tất treo gần giường ngủ hay lò sưởi. Vì thế các bậc cha mẹ thường mua quà bỏ vào đôi tất để cạnh lò sưởi, lúc trẻ con thức dậy sẽ vui mừng với món quà ông già Noel tặng. Phong tục này khuyến khích trẻ em làm điều thiện, ngoan ngoãn, chăm học để được ông già Noel tặng quà vào mỗi dịp Giáng sinh.

Cây thông Noel (Christmas Tree)

cay thong noel

Cứ vào dịp Noel, người ta thường trưng bày trong nhà một cây thông và trang trí các ngôi sao, những quả châu, các dải kim tuyến lấp lánh và hoa.

Có nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc của cây thông Noel, một trong số đó là câu chuyện về Thánh Boniface (Saint Boniface). Tương truyền, vào thế kỷ thứ VIII, trên đường hành hương, ông tình cờ bắt gặp một nhóm những người không theo đạo Thiên Chúa đang tập trung quanh một cây sồi lớn, dùng một đứa trẻ để tế thần.

Để dừng buổi tế thần và cứu đứa trẻ, Boniface đã hạ gục cây sồi chỉ bằng một quả đấm. Tại nơi đó đã mọc lên một cây thông nhỏ. Vị thánh nói với những kẻ đó rằng cây thông nhỏ là cây của sự sống và nó tượng trưng cho cuộc sống vĩnh hằng của Chúa Cứu thế.

Ngoài ý nghĩa này, cây thông được dùng trong các dịp Noel và các lễ hội đón chào năm mới ở khắp nơi trên thế giới còn là vì nó luôn được xem là biểu tượng của niềm hy vọng và sức sống mới. Dù sống trong khí hậu khắc nghiệt nhưng nó vẫn giữ được dáng vẻ mạnh mẽ, vững chãi và màu xanh bất diệt.

Thiệp Giáng sinh (Christmas cards)

thiep noel

Thiệp Giáng sinh đầu tiên xuất hiện tại nước Anh, do một họa sĩ tại London tên là John Callcott Horsley (1817 – 1903) thiết kế. Ý tưởng làm ra tấm thiệp này xuất phát từ Sir Henry Cole (1808 – 1882) – một công chức cấp cao, một nhà giáo dục, nhà phát minh và cũng là giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Victoria & Albert nổi tiếng.

Bởi vì quá bận rộn, không thể tự tay viết từng bức thư gửi đến tất cả người thân, bạn bè nên Sir Henry Cole đã hợp tác với họa sĩ J. Horsley để tạo ra những tấm thiệp Giáng Sinh. Cứ như vậy, Giáng Sinh năm 1843, tấm thiệp Noel đầu tiên trên thế giới được trình làng tại London, Anh.

Trên tấm thiệp Giáng Sinh đầu tiên, họa sĩ J. Horsley đã khắc họa một bức tranh ba phần với thông điệp vô cùng ý nghĩa. Ở giữa trung tâm tấm thiệp là hình ảnh một gia đình hạnh phúc đang quây quần bên nhau trong bữa tiệc Giáng sinh, nâng ly chúc mừng, trao nhau những lời chúc thân mật được tô điểm nhiều màu sắc lung linh.

Đối lập với hình ảnh phù hoa, rực rỡ ấy là mảng xám có phần u tối ở hai bên, miêu tả những mảnh đời cơ cực, nghèo khó, họ cũng đang ở bên nhau hoặc được người tốt giúp đỡ, để phần nào cảm thấy ấm áp hơn vào đêm Giáng Sinh này. Nổi bật nhất tấm thiệp là dòng lời chúc: “A Merry Christmas and a Happy New Year to you!” (Chúc bạn Giáng Sinh an lành và năm mới vui vẻ, hạnh phúc!).

Không chỉ đơn giản là một tấm thiệp Giáng Sinh tặng bạn bè, người thân, J. Horsley và Henry Cole đã gửi đi một thông điệp sâu sắc, ý nghĩa tới toàn nhân loại, rằng dù bạn là ai, dù bạn có như thế nào, không phân biệt xuất thân, không phân biệt giàu – nghèo, các bạn đều bình đẳng trước Chúa, đều xứng đáng có được một Giáng Sinh vui vẻ và năm mới hạnh phúc, an lành.

Sau đó, thiệp Giáng sinh nhanh chóng bùng phát và trở thành mốt thịnh hành ở Anh trong suốt 10 năm kể từ khi Chính phủ Anh thông qua đạo luật năm 1846 cho phép bất kỳ người dân nào gửi thư đến bất kỳ nơi nào với giá rẻ. Không lâu sau, trào lưu này du nhập sang Đức và tới 30 năm sau người Mỹ mới chấp nhận nó. Đến nay, việc gửi thiệp kèm những lời chúc tặng người thân và bạn bè đã trở thành một truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp Giáng sinh.

Nến Giáng sinh (Christmas candles)

nen giang sinh

Tương truyền, một lần Martin Luther (nhà thần học người Đức, tu sĩ dòng Augustine) dạo bước qua rừng vào đêm Noel khoảng năm 1500. Nhìn thấy hàng triệu vì sao sáng lấp lánh qua kẽ lá, ông thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một loài cây nhỏ, trên cành tuyết trắng phủ đầy, lung linh dưới ánh trăng. Vì thế, khi trở về, ông đặt một cây thông nhỏ trong nhà và kể lại câu chuyện này với lũ trẻ.

Để tái tạo ánh sáng lấp lánh của muôn ngàn ánh sao, ông đã treo nến lên cành cây thông và thắp sáng những ngọn nến ấy với lòng tôn kính ngày Chúa giáng sinh. Ông giải thích, các cây nến cháy sáng trên các nhánh thông tượng trưng cho ánh sáng của Đức Giêsu mang đến cho nhân loại, màu xanh tươi quanh năm của cây thông tượng trưng cho Đức Chúa hằng hữu.

Ngoài ra, cũng có truyền thuyết kể rằng, vào đêm Chúa Giáng Sinh, thánh Maria (Saint Maria) và Giu-se đã tìm ra nơi trú ngụ nhờ đi theo ánh sáng của ngọn nến hắt ra từ cửa nhỏ của một cái chuồng bò lừa. Ánh sáng của những ngọn nến có ý nghĩa là thắp sáng lên niềm hi vọng, hòa bình, tình yêu và niềm vui, chúng luôn soi sáng dẫn đường cho chúng ta bước qua những ngày u tối.

Ngôi sao Giáng sinh hay còn gọi là Ngôi sao Bethlehem (Christmas Star)

ngoi sao giang sinh

Ngôi sao 5 cánh thường xuất hiện rực rỡ đủ màu sắc trong mùa Giáng sinh. Một ngôi sao lớn được treo ở nơi cao nhất của tháp chuông nhà thờ. Từ đó được giăng ra bốn phía, có nhiều ngôi sao nhỏ, và kết hoa đẹp mắt.

Ngôi sao trong lễ Giáng sinh có ý nghĩa đặc biệt, tương truyền, lúc Chúa vừa chào đời thì trên trời xuất hiện một ngôi sao rực rỡ. Ánh sáng tỏa ra mấy trăm dặm. Từ các vùng phía đông xa xôi nay thuộc lãnh thổ Iran và Syria, có 3 vị vua tin rằng cứ đi theo theo ánh sáng ngôi sao chắc chắn sẽ gặp phép lạ. Từ đó, ba vị đi theo sự dẫn đường của ánh sáng để đến được hang đá thành Bethelem nơi Chúa đã ra đời. Ba vị này thân quỳ trước mặt Chúa, dâng lên Chúa các phẩm vật trầm hương và vàng bạc châu báu.

Ngày nay, ngôi sao đã trở thành biểu trưng ý nghĩa trong mùa Giáng sinh và được treo chỗ trang trọng nhất ở các giáo đường, cơ sở tôn giáo trong đêm Giáng sinh để nhớ đến sự tích trên. Ngoài ra, người theo đạo Kitô thì tin rằng ánh sáng ngôi sao chính là sức mạnh quyền năng của Chúa, xóa tan bóng tối đêm đông lạnh giá, thắp lên một mùa xuân mới ấm áp và hạnh phúc cho muôn dân.

Bánh Buche Noel (Buche de Noel)

banh khuc cay giang sinh

Bánh Buche Noel có hình dáng như một khúc gỗ nên nó còn có tên gọi khác là bánh khúc gỗ. Đây là một loại bánh ngọt dùng trong ngày lễ Noel. Khúc gỗ tượng trưng cho niềm hân hoan, nó được người Celte đốt để chào mừng ngày Đông Chí, bởi người ta quan niệm rằng ngọn lửa chính là sự hồi sinh của mặt trời.

Chiếc bánh Buche Noel ra đời đầu tiên vào năm 1834 bởi một người thợ làm bánh của tiệm La Vieille France. Đây là một nhà ăn cổ ở Pari nước pháp. Chiếc bánh khúc gỗ đầu tiên là một chiếc bánh gato được làm từ hỗn hợp hạt dẻ, nó được cuộn tròn và dài như hình dáng một khúc gỗ thật.

Sau đó, những chiếc bánh khúc gỗ ngày càng được cải tiến bằng cách được thêm nhiều nguyên liệu khác vào trong ruột bánh và dần trở thành món ăn truyền thống của ngày lễ Noel.

Chiếc gậy kẹo (The candy cane)

keo gay giang sinh

Vào những năm 1800, một người làm kẹo ở Ấn Độ muốn biểu đạt ý nghĩa của Lễ Giáng Sinh qua một biểu tượng được làm bằng kẹo. Ông bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình bằng cách uốn cong một trong những thỏi kẹo của mình thành hình một chiếc gậy kẹo.

Qua cây gậy kẹo của mình, ông đã kết hợp những biểu tượng thể hiện tình yêu và sự hi sinh của Chúa Giêsu. Màu trắng biểu hiện cho sự trong trắng và vô tội của chúa Giêsu. Sau đó, ba sọc nhỏ tượng trưng cho những đau đớn mà Ðức Chúa đã phải chịu trước khi ngài chết trên cây thập ác. Ba sọc đó còn biểu hiện ba ngôi thiêng liêng của Chúa (sự hợp nhất của Cha, Con và Thánh thần). Ông thêm vào một sọc đậm để tượng trưng cho máu mà Chúa đã đổ cho loài người.

Ngoài ra, khi nhìn vào cái móc của cây gậy, ta thấy nó giống hệt cây gậy của người chăn cừu vì chúa Giêsu chính là người chăn dắt con người. Nếu bạn lật ngược cây gậy, nó sẽ trở thành chữ “J” tượng trưng cho chữ cái đầu tiên của tên chúa Giêsu (Jesus).

Cây trạng nguyên (The Poinsettia)

cay trang nguyen giang sinh

Truyền thuyết kể lại rằng có một bé trai không có quà dâng lên Chúa Hài Đồng nên em đã mang đến một máng cỏ và một chùm lá cây. Các bạn em cười chế nhạo em, nhưng khi em đặt những nhánh lá dưới chân Chúa Hài Đồng thì những cành lá đó biến thành những bông hoa đỏ rực rỡ rất đẹp.

Cây trạng nguyên được đặt theo tên của Joel Poinsett – Vị đại sứ đầu tiên của Mĩ ở Mê-hi-cô, người đã có công mang loại cây này về nước Mỹ vào năm 1882. Vào thế kỉ 18, người Mê-hi-cô coi cây trạng nguyên là biểu tượng của ngôi sao ở Bethelem, chính vì vậy mà cây trạng nguyên luôn đi cùng với mùa Giáng Sinh.

Như vậy, mỗi biểu tượng trong Lễ Giáng Sinh đều có một câu chuyện và một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Hy vọng, bài viết trên có thể giúp bạn hiểu hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của các biểu tượng trong mùa Giáng sinh.

(Sưu tầm)

5/5 - (1 vote)
guest

0 Góp ý
Inline Feedbacks
View all comments